Triển vọng phát triển kinh tế từ cây Sa sâm trên vùng đất cát Quảng Bình
![]() Mô hình Tổ phụ nữ bảo tồn Sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) do Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình triển khai từ tháng 1/2023 đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Mô hình không chỉ tạo cơ hội cho hội viên, phụ nữ tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường bền vững mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế cho người dân vùng đất cát.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình kiểm tra thực địa các vườn trồng Sa sâm tại xã biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Võ Dung - TTXVN
Mô hình phát huy hiệu quả Sa sâm có tên khoa học là Launaea Sarmentosa. Đây là một loại dược liệu quý trong tự nhiên, vừa là một loại rau sạch có giá trị dinh dưỡng cao, giúp bồi bổ sức khỏe, sắc đẹp và đã có nhiều công trình nghiên cứu Sa sâm trên thế giới và ở Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, cây Sa sâm có các thành phần dược liệu như Saponin, Polyphenol, Flavonoid có khả năng chống ung thư, giúp tăng cường hệ tim mạch, giảm thiểu các biến chứng do đái tháo đường và các bệnh liên quan đến đường hô hấp, có tác dụng trong việc điều trị một số bệnh, giúp tăng cường chức năng sinh lý cho nam giới... Thực hiện chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh đã tranh thủ nguồn lực triển khai dự án “Mô hình Tổ phụ nữ bảo tồn Sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình”. Dự án đã hỗ trợ cho phụ nữ vùng biển phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần tạo ra sinh kế ổn định, bền vững và thực hiện bình đẳng giới.
Triển vọng phát triển kinh tế từ cây Sa sâm trên vùng đất cát Quảng Bình
Lá Sa sâm có giá trị dinh dưỡng cao, dùng để chế biến các món ăn ngon và được tiêu thụ với giá 60.000 đến 80.000 đồng/kg. Ảnh: Võ Dung - TTXVN
Để thuần dưỡng giống cây Sa sâm bản địa trong tự nhiên thành cây trồng trong vườn nhà, Dự án triển khai xây dựng vườn ươm, trồng thí điểm để rút ra quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân vùng biển; hướng dẫn người dân áp dụng đúng quy trình. Cùng với đó, xây dựng hình ảnh logo, tên gọi, thiết kế bao bì nhãn mác cho sản phẩm Sa sâm Hải Ninh, hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, góp phần xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm và nâng tầm giá trị Sa sâm trên vùng đất cát xã biển Hải Ninh khi đưa ra thị trường. Từ 5 hộ trồng thí điểm ban đầu, đến nay đã có gần 20 hộ ở xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) trồng Sa sâm với 2.500 m2, theo tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu mang lại thu nhập ổn định. Để giúp người dân yên tâm trồng và bảo tồn được loại cây bản địa quý này, Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình, Tổ hợp tác đã kết nối với các doanh nghiệp và giới thiệu sản phẩm Sa sâm ra thị trường tại các cửa hàng thực phẩm, nhà hàng trên địa bàn. Qua đó, hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá sản phẩm Sa sâm cho bà con, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập và tạo tính bền vững của mô hình.
Đóng gói trà túi lọc từ thân cây Sa sâm. Ảnh: Võ Dung - TTXVN
Bà Hợp vui mừng chia sẻ: "Khi tham gia trồng, tôi hiểu hơn về những giá trị tuyệt vời của Sa sâm và cảm thấy tự hào vì đã góp phần cùng chung tay bảo tồn loại cây dược liệu quý của quê hương". Ông Lê Đình Quả, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Nông (Đồng Hới, Quảng Bình) cho hay: Biết giá trị dược liệu và dinh dưỡng của cây Sa sâm từ lâu, nên khi đến khảo sát thực địa các vườn trồng của Dự án tại xã Hải Ninh, hợp tác xã đã chủ động, tích cực phối hợp, liên kết với bà con, trở thành kênh tiêu thụ sản phẩm lá Sa sâm tại chuỗi Cửa hàng rau sạch An Nông. Lá Sa sâm là một loại rau rất ngon, có thể chế biến nấu canh, nộm, xào... được bà con xã Hải Ninh trồng chuẩn VietGAP nên khi bán rất được khách hàng ưa chuộng và yên tâm sử dụng.
Bảo tồn giống cây dược liệu quý Với đặc tính là loại cây dược liệu quý và loại rau sạch mang giá trị cao, việc triển khai trồng cây Sa sâm vừa góp phần bảo tồn giống cây bản địa, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững, chống cát bay, cát nhảy, sa mạc hóa vừa cung cấp nguồn dược liệu quý, giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, sản phẩm lá Sa sâm do các hộ trồng đã được thu mua và bán tại các cửa hàng rau sạch trên địa bàn như An Nông, Đông Dương, Từ Tâm Garden, với giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg; đã kết nối mở rộng giới thiệu ra thị trường Hà Nội và có mặt tại một số nhà hàng tại địa phương. Phần thân Sa sâm phơi khô và được Tổ hợp tác thu mua với giá 200.000 đồng/kg, sau đó sơ chế thành trà túi lọc. Đặc biệt, củ Sa sâm sau 1 năm sẽ cho thu hoạch và đã được kết nối với các đơn vị, nhà thuốc Đông y nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
Đại diện Tổ hợp tác Phụ nữ bảo tồn Sa sâm bản địa xã Hải Ninh và Cơ sở bia thủ công Kiều Cát ký cam kết tiêu thụ sản phẩm từ cây Sa sâm. Ảnh: Võ Dung - TTXVN
Bà Diệp Thị Minh Quyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình cho biết, việc trồng, bảo tồn Sa sâm trên cát với định hướng đưa loại cây này trở thành một sản phẩm du lịch là hướng đi đúng trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, gắn với du lịch. Dự án vừa gắn với bảo tồn giống cây bản địa, chống cát bay, cát nhảy, chống sa mạc hóa cho vùng đất cát ven biển kết hợp với hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng cát Quảng Bình. Thời gian tới, Hội tiếp tục chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh và các cấp Hội tích cực tuyên truyền những kết quả đạt được, nhân rộng mô hình đến các xã ven biển có hoạt động của Quỹ, giúp người dân hiểu được giá trị và có ý thức bảo tồn Sa sâm. Trong điều kiện có thể, hỗ trợ thêm một số dụng cụ máy móc để duy trì và phát triển các hoạt động chế biến sản phẩm Sa sâm. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mong muốn các doanh nghiệp, cơ sở Đông y, nhà hàng, khách sạn, các đơn vị đối tác tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trong thu mua, tiêu thụ sản phẩm để sản phẩm Sa sâm dần phổ biến trên thị trường, cùng đồng hành giúp người dân yên tâm sản xuất. Đặc biệt, chính quyền xã Hải Ninh, Hội Phụ nữ xã tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để duy trì và nhân rộng mô hình bảo tồn Sa sâm ngày càng phát triển bền vững. Mặt khác, xây dựng thương hiệu Sa sâm Hải Ninh ngày càng hoàn thiện và phát triển, xứng đáng là đơn vị đi đầu, tiên phong trong việc bảo tồn và nhân rộng loại Sâm quý của vùng đất cát Quảng Bình.
Các tin đã đăng
|