CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỸ HỖ TRỢ PHỤ NỮ PHÁT TRIỂN TỈNH QUẢNG BÌNH!
 Bản in     Gởi bài viết  
Những "con dấu... tự chủ" 

Phải bắt đầu thay đổi lối sống “được chăng hay chớ” từ chính những “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Vậy là mô hình tổ tiết kiệm-tín dụng thôn bản ra đời...

 

Từ những “tay hòm chìa khóa”

Chủ tịch Hội LHPN xã Lâm Hóa Cao Thị Phương chia sẻ: “Người Mã Liềng, tính tự ái rất cao. Hễ bị nói nặng lời hoặc không được như ý muốn là họ “lẫy”. Đã có người rời bỏ tổ TK-TD, chỉ vì đăng ký vay mà số tiền tiết kiệm đã hết. Ngược lại, những đồng tiền do chính họ vay vốn từ nguồn tiết kiệm của cộng đồng dân bản, họ mới sử dụng có trách nhiệm và làm việc để trả nợ”.
Lúc sáng, trước khi vào bản, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) Nguyễn Văn Phúc cho tôi biết, từ khi người Mã Liềng định canh định cư năm 1993, hàng năm, Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ cho người dân từ cái ăn, nhà ở đến cơ sở vật chất, hạ tầng đường sá. Và hiện đang có 13 hộ dân ở 3 bản Kè, Cáo, Chuối tiếp tục được xây dựng nhà ở mới.
Là người Mã Liềng, hơn ai hết, Chủ tịch Hội LHPN xã Lâm Hóa Cao Thị Phương hiểu được rằng, nếu không có sự quan tâm đó, người Mã Liềng không có được cuộc sống như hôm nay. Song, điều mà Phương đau đáu suốt nhiều năm qua, đó là lối sống thụ động, “ăn bữa nào lo bữa nấy” vẫn còn ăn sâu trong ý thức dân bản. Hay nói cách khác, ý thức tự chủ của bà con còn rất hạn chế, chưa làm chủ đồng tiền kiếm được và chưa tự chủ sản xuất để nâng cao đời sống.
Những người phụ nữ được coi là “tay hòm chìa khóa” của gia đình vẫn chưa biết tiết kiệm tiền, chưa biết dùng tiền vào việc gì khác, ngoài mua thức ăn “lấp đầy” cái bụng mỗi khi bị đói. Có bao nhiêu, họ tiêu xài bấy nhiêu. Tiền họ kiếm được, dù nhiều hay ít, đều như “gió vào nhà trống”. Họ đang sống tạm bợ ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Phải bắt đầu thay đổi lối sống “được chăng hay chớ” này từ chính những “bàn tay giữ hòm” trong gia đình, Phương nghĩ như thế. Vậy là mô hình tổ tiết kiệm-tín dụng (TK-TD) thôn bản ra đời.
Mô hình tổ TK-TD thực chất là Mô hình Tiết kiệm vốn vay thôn bản do Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình phối hợp với Ban Quản lý dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình, UBND xã và Hội LHPN xã triển khai thực hiện tại xã Lâm Hóa từ năm 2015. Nhằm tạo thói quen thực hành tiết kiệm, vay - trả và nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cho người dân, đồng thời tạo một nguồn vốn bền vững tại địa phương
Đóng dấu... tiết kiệm
Mới 17 giờ hơn, các thành viên tổ TK-TD bản Kè đã tay bồng tay bế con nhỏ đến nhà văn hóa bản để đóng dấu nộp tiền. Khi mọi người đã có mặt đông đủ, Cao Thị Vân (SN 1996), Trưởng bản và là tổ trưởng khệ nệ mang ra 1 chiếc hộp bằng kim loại có đến 3 ổ khóa đựng tiền, con dấu và sổ tiết kiệm của 16 thành viên.
Trước sự chứng kiến của mọi người, Vân lấy chìa khóa của mình ra để mở, sau đó đến Cao Thị Tương, Cao Thị Nguyên. Lần lượt từng thành viên được gọi lên nộp tiền. Vân, Tương và Nguyên, người thu tiền, người đóng dấu, người ghi sổ sách trông rất thành thục.


Các thành viên Tổ TK-TD bản Kè đóng dấu nộp tiền tiết kiệm

 
Mỗi con dấu được đóng vào sổ tiết kiệm trị giá 50.000 đồng. Tối đa, mỗi người được đóng 5 dấu, tương đương 250.000 đồng/tháng. Sau khi thu tiền xong, 3 người ngồi đối chiếu lại sổ sách, số tiền và con dấu đóng được trong tháng. Vân bảo, tháng 9 này, tổ không tổ chức thu tiền tiết kiệm, vì vừa rồi dịch Covid-19, dân bản không đi làm keo tràm, đi rừng lấy măng, lá nón được. Nhưng nhiều thành viên vẫn tự giác đóng cả 2 tháng 9 và 10, với tổng số tiền 2,9 triệu đồng.
Đứng bên cạnh tôi, Phương vừa hướng dẫn thêm cho Vân vừa cho biết: “Để thành lập được tổ TK-TD này, chúng tôi phải kiên trì vận động chị em hơn 3 năm. Ban đầu, khi mới đưa ra ý kiến, không có ai đồng ý. Họ cho rằng: “Tiền miềng làm ra miềng tiêu, chứ tiết kiệm mần chi? Và, nộp tiền cho tổ, cán bộ “ăn hết” thì răng?”. Tháng 2-2021, tổ mới được thành lập. Cũng từ đó, các thành viên không ai bảo ai đều thi đua tiết kiệm. Cứ như vậy, những anh chồng cũng bị kéo vào cuộc. Tiếng nói nữ quyền của chị em trong gia đình ngày càng có trọng lượng hơn”.
Còn Vân thì hào hứng kể: “Có lần, mọi người đang nộp tiền, thì chồng của Cao Thị Thiện bất ngờ đến và nằng nặc đòi chúng em đưa sổ tiết kiệm của vợ để xem bấy lâu, vợ có mang tiền đi gửi không. Ban đầu, mọi người cứ lo lắng anh chồng sẽ đòi lại tiền. Nào ngờ, lúc thấy sổ của vợ ít dấu so với những chị em khác, anh thẹn quá, kêu lên: “Răng mà ít dấu ri? Miềng mà thua họ à?”. Thế là từ đó, mỗi tháng, chị Thiện đều đặn mang tiền đóng 3 dấu”. Đến nay, sau 9 tháng hoạt động, tổ TK-TD bản Kè đã tạo được nguồn tiết kiệm gần 18 triệu đồng và cho 12 thành viên vay để phát triển chăn nuôi.
Từ mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản đã tạo cho các thành viên có thói quen tiết kiệm và quản lý tài chính, năm 2017 Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình đã tiến hành chuyển đổi sang nhóm TD-TK để hỗ trợ nguồn vốn vay bên ngoài vào các nhóm cho các thành viên vay vốn mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.
2 năm, lời 2 con bò
Ngày con bò của Phạm Thị Lệ ở bản Chuối (xã Lâm Hóa) đẻ được 1 con bê, không chỉ vợ chồng Lệ thở phào nhẹ nhõm, mà dân bản người Mã Liềng này đều tò mò đến xem. Họ tò mò bởi Lệ là người Mã Liềng đầu tiên của bản dám liều lĩnh vay tiền mua bò về nuôi. Còn bấy lâu, hầu hết trâu, bò, lợn, gà của người dân nơi đây đều do Nhà nước và các chương trình, dự án mang đến cho. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, số vật nuôi này hao hụt dần.


Nhiều hộ dân người Mã Liềng đã biết chăm chút cho những con bò tự mua từ nguồn vốn vay của tổ TK-TD thôn bản.
 
Phạm Thị Lệ kể, lập gia đình từ năm 2010, nhưng vợ chồng Lệ (năm nay 30 tuổi) chưa bao giờ có trong tay quá 1 triệu đồng. Năm 2017, sau khi tham gia tổ TK-TD bản Chuối và được vận động vay tiền mua bò, Lệ mới đánh liều bàn với chồng. Ban đầu, chồng không đồng ý vì sợ không có tiền trả. Nhưng Lệ quả quyết: “Em không sợ, anh sợ chi”. Thế là vợ chồng dắt nhau đến vay. Thời điểm đó, Lệ là thành viên đầu tiên vay mức 10 triệu đồng. “Dắt bò về đến nhà, mà em vẫn chưa hết sợ, vì khoản tiền phải trả cả gốc lẫn lãi 650.000 đồng/tháng). Thế rồi, vợ chồng vừa lo làm vừa lo trả, cũng hết nợ. Còn con bò, mỗi năm nó đẻ 1 con. Và giờ thì em đã lời được 2 con bò”, Lệ vui vẻ cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2020, Lệ đăng ký vay tiếp 50 triệu đồng để trồng hơn 2ha keo tràm. Bây giờ rừng keo của vợ chồng Lệ đã gần 1 năm tuổi. Ở bản Chuối, gia đình Lệ cũng là người Mã Liềng đầu tiên vay tiền để trồng rừng.
Lại nói về người chồng, Lệ càng thêm vui: "Bởi từ ngày tham gia tổ TK-TD, rồi vay tiền, anh ấy chăm đi làm hơn. Có tiền là anh mang về đưa vợ giữ để trả nợ, chứ không còn cảnh nhiều bữa về “tay trắng”, chân đi “1 bước tiến 2 bước lùi” nữa. Sự thay đổi đó đã khiến chúng em mạnh dạn vay tiếp tiền để trồng rừng”.

 
Theo nguồn báo Quảng Bình online
[Trở về]