CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỸ HỖ TRỢ PHỤ NỮ PHÁT TRIỂN TỈNH QUẢNG BÌNH!
 Bản in     Gởi bài viết  
Mô hình chăn nuôi hiệu quả Tin có hình
 

Chị Phạm Thị Ý ở thôn Hạ Lào, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa là tấm gương làm kinh tế giỏi với mô hình chăn nuôi, bình quân mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

 

Sinh ra và lớn lên ở huyện Tuyên Hóa, thu nhập chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng nên kinh tế gia đình chị Ý trước đây rất chật vật. Năm 2015, được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thuận Hóa giới thiệu, chị Ý mạnh dạn vay 12 triệu đồng từ Quỹ để đầu tư mô hình nuôi lợn nái và lợn thịt. Những ngày đầu chăn nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm, chị gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thu nhập từ chăn nuôi thấp, thậm chí còn thâm hụt vào vốn. Không nản chí, chị Ý tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi do Quỹ phối hợp tổ chức để áp dụng vào chăn nuôi.

 
    

     



Với quyết tâm phát triển mô hình, năm 2019, sau khi trả dần gốc và lãi đúng kỳ hạn, chị vay tiếp gần 50 triệu đồng từ Quỹ để tu sửa chuồng nuôi lợn, xây hầm biogas xử lý phân thải và mua thêm gà giống để mở rộng mô hình trang trại chăn nuôi. Về thăm mô hình chăn nuôi nhà chị Ý mới thấy chị là một người phụ nữ nghị lực, dám nghĩ dám làm và mạnh dạn đầu tư. Chị áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, sử dụng thức ăn sạch, thường xuyên tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại đảm bảo nên đàn lợn, đàn gà của chị phát triển nhanh. Đến nay, gia đình chị có trên 200 con lợn và hơn 100 con gà. Đặc biệt, đàn lợn của chị có khoảng 20 con lợn nái thường xuyên sinh sản, lợn con được chị giữ lại làm giống để nuôi bán lợn thịt, trong đó có giống lợn ri bản địa rất ngon. Sau 5 tháng rưỡi nuôi, chị bắt đầu xuất chuồng lợn thịt, sau khi trừ chi phí, đàn lợn và gà của chị đem lại nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

 


Chị Phạm Thị Ý chia sẻ: “Chị chăn nuôi cũng có nhiều lần thất bại, nhưng từ đó mình rút ra kinh nghiệm để áp dụng cho những lần sau. Trong chăn nuôi, quan trọng nhất là con giống, thứ hai là tiêm phòng định kỳ và vệ sinh chuồng trại đảm bảo. Bản thân được các chị cán bộ Quỹ cho vay vốn, thường đến thăm hỏi động viên, nên chị cũng dần tự tin lên, mạnh dạn làm kinh tế cải thiện cuộc sống gia đình”. Chị Ý chăn nuôi thành công và luôn tận tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật chăn nuôi cho các chị em khác, nhiều chị em được chị Ý cho mua nợ đến khi bán lợn thịt hay gà đẻ trứng mới trả tiền giống.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm chị Phạm Thị Ý đã vươn lên tự tin làm giàu từ bàn tay lao động. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ bà con trong xã cùng phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

 

Nguyễn Thị Trang
QBWDF - Chi nhánh Tuyên Hóa

 

[Trở về]