Tổng kết và giới thiệu sản phẩm dự án Sa Sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh Tin có hình
 

Sáng nay, 28/9, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội thảo tổng kết và giới thiệu sản phẩm dự án “Mô hình tổ phụ nữ bảo tồn Sa Sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình”.  

 

Các đại biểu dự hội thảo

 

Dự án “Mô hình tổ phụ nữ bảo tồn Sa Sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình” được Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh chủ trì triển khai thực hiện trong thời gian 9 tháng, từ ngày 13/1/2023 đến nay.

Đây là dự án nhỏ do Liên minh Châu Âu tài trợ thông qua Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh-GreenViet với các hoạt động nâng cao năng lực, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch Sa Sâm theo tiêu chuẩn hữu cơ, hướng đến mục đích bảo tồn sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh.



Quang cảnh hội thảo


Qua 9 tháng triển khai, Ban Quản lý dự án đã tích cực tổ chức thực hiện các hoạt động, gồm: Hội thảo giới thiệu dự án, phát hành tờ rơi quảng bá, tập huấn về kỹ thuật trồng sa sâm, thành lập tổ hợp tác phụ nữ bảo tồn Sa Sâm bản địa, xây dựng vườn ươm Sa Sâm bản địa, trồng thí điểm Sa Sâm bản địa, xây dựng bộ thương hiệu, khu bảo tồn giống bản địa, kết nối thị trường, giới thiệu sản phẩm…

Đến nay, từ 5 hộ trồng thí điểm ban đầu với diện tích 1.000 m vuông đã nhân rộng thêm 14 hộ trên diện tích 1.500 m vuông và sắp tới sẽ mở rộng lên 2.500 m vuông diện tích trong vụ mùa tiếp theo.

 



Các đại biểu dự hội thảo


Từ 200 m vuông vườn ươm Sa Sâm bản địa đã cung cấp 10.400 cây giống đạt tiêu chuẩn cho các hộ trồng thí điểm trên diện tích 800 m vuông. Bước đầu, các hộ vườn ươm và vườn trồng thí điểm đã thu hoạch sản lượng trên 168kg lá, 15kg thân.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án, tổ hợp tác và người dân địa phương đã cùng xây dựng bộ thương hiệu, khu bảo tồn giống bản địa; kết nối với các doanh nghiệp, giới thiệu các sản phẩm Sa Sâm đạt tiêu chuẩn VietGAP ra thị trường nhằm hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá, cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân, tạo tính bền vững của mô hình.

 



Các đại biểu dự hội thảo chứng kiến lễ ký kết hợp đồng tiêu thụ sản giữa Tổ hợp tác phụ nữ bảo tồn sa sâm bản địa với đơn vị đối tác


Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá tác động, rút ra bài học kinh nghiệm trong duy trì và nhân rộng mô hình hướng đến bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường phát triển bền vững.

Các đại biểu cũng đã nêu kiến nghị, đề xuất để tiếp tục hỗ trợ xây dựng sản phẩm Sa Sâm trở thành sản phẩm đặc sản của Quảng Bình gắn với phát triển du lịch của tỉnh.

 

Các đại biểu tham quan, nghe giới thiệu các sản phẩm từ Sa Sâm


Tại hội thảo, Tổ hợp tác phụ nữ bảo tồn Sa Sâm bản địa đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản với các đơn vị đối tác, giúp người dân yên tâm về đầu ra cho các sản phẩm từ Sa Sâm.

 

(Theo báo điện tử Quảng Bình)