Xã Kim Hóa xây dựng các mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay của Quỹ Tin có hình
 

Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển Chi nhánh Tuyên Hóa, xã Kim Hóa đã có 346 hộ vay với dư nợ hơn 7,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, các hộ dân đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 

 

Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm, tranh thủ các nguồn lực xã Kim Hóa đã chuyển đổi vùng đất trồng sắn, lạc kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như trồng cây ăn quả, trồng rau màu, cải tạo trang trại chăn nuôi dê, lợn ri, gà thả vườn...

 

    

Mô hình nuôi dê                                            Mô hình nuôi lợn ri

 

Để phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng, quản lý vốn vay hiệu quả, các cấp liên nhiệm, chính quyền địa phương xã Kim Hóa, đặc biệt là mạng lưới các nhóm trưởng tín dụng tiết kiệm thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát các thành viên sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay của Quỹ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tăng dư nợ, đẩy nhanh quay vòng vốn, tạo cơ hội cho các hộ có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, trồng rừng, làm công trình nước sạch vệ sinh môi trường, đặc biệt là phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt. Điển hình có mô hình nuôi dê của chị Nguyễn Thị Vinh - thôn Kim Tân, mô hình bưởi Phúc Trạch của chị Nguyễn Thị Tuyết - thôn Kim Lũ 1, mô hình nuôi lợn ri của chị Phan Thị Hạnh - thôn Kim Lũ 2…

 

    

Mô hình kinh tế của chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Kim Lũ 1, xã Kim Hóa


Đến thăm mô hình trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết, thôn Kim Lũ 1, xã Kim Hóa, sau khi nhận nguồn vốn vay Quỹ với mục đích trồng trọt, chị Tuyết đã đầu tư mở rộng mô hình trồng cây ăn quả an toàn, chị trồng bưởi Phúc Trạch và ổi, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Chị Tuyết tâm sự: “Được tiếp cận với chương trình vay vốn của Quỹ đối với gia đình chúng tôi thực sự rất có ý nghĩa, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 và biến động nền kinh tế thị trường đang ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đầu ra của sản phẩm cây ăn quả. Nhờ nguồn vốn vay gia đình tôi đã mở rộng sản xuất trên 6 ha diện tích vườn đồi, nên thu nhập của gia đình được cải thiện”.

 

Có thể nói, các hoạt động tín dụng hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ cây, con có hiệu quả thấp sang trồng cây, nuôi con có hiệu quả kinh tế cao hơn, xây dựng các mô hình kinh tế bền vững, cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.


Nguyễn Thị Hồng
QBWDF - CN Tuyên Hóa