Hội thảo giới thiệu dự án “Mô hình tổ phụ nữ bảo tồn Sa Sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình 
 

Ngày 10/02/2023, Dự án “Mô hình tổ phụ nữ bảo tồn Sa Sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình” chính thức được khởi động. Dự án do Phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam hỗ trợ tài chính thông qua dự án “Quỹ bảo tồn”, được Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình chủ trì thực hiện trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 9 năm 2023.

 

Đ/c Đỗ Thị Bích Thủy – Phó chủ tịch TT Hội, Giám đốc Quỹ, trưởng ban quản lý dự án phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Tham gia Hội thảo giới thiệu dự án có đại diện nhà tài trợ, các cơ quan ban ngành cấp tỉnh và địa phương gồm có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Ngoại vụ, Sở Công thương; đại diện lãnh đạo các ban ngành liên quan huyện Quảng Ninh; lãnh đạo UBND xã Hải Ninh và người dân có nhu cầu trông sa sâm trên địa bàn hưởng lợi.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe đồng chí Nguyễn Công Huy – Phó Giám đốc Quỹ, điều phối dự án chia sẻ thông tin về Sa Sâm là một dược liệu quý trong tự nhiên, vừa là một loại rau sạch mang giá trị dinh dưỡng cao. Đã có hơn 1.485 bài báo, công trình nghiên cứu khoa học về giá trị Sa Sâm Việt. Ở xã Hải Ninh, Sa Sâm mọc tự nhiên nhiều hơn các xã ven biển khác nhưng còn phân bố rải rác, chưa được trồng, chăm sóc và bảo tồn. Dự án hướng đến ít nhất 1.000 người dân được hưởng lợi, trong đó phụ nữ 70%, nam giới 30% thông qua các hoạt động: xây dựng vườn ươm, hướng dẫn kỹ thuật, trồng thí điểm và nhân rộng tại hộ gia đình. Bên cạnh đó, dự án kết nối tiêu thụ sản phẩm đầu ra để tạo tính bền vững, giúp người dân yên tâm sản xuất.

 


 

Hội thảo đã chứng kiến lễ ký biên bản phối hợp thực hiện giữa Ban quản lý Dự án với chính quyền địa phương, đơn vị tiêu thụ sản phẩm và chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật, qua đó đã thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự đồng sức đồng lòng trong triển khai các hoạt động của dự án trong thời gian tới.
Hy vọng rằng đây là sự khởi đầu tốt đẹp để bảo tồn và giữ gìn một giống cây dược liệu quý của Quảng Bình, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, hướng đến đưa Sa Sâm trở thành một sản phẩm mang đặc trưng của vùng đất cát Quảng Bình.

Một số hình ảnh tại Hội thảo